image banner
anh tin bai

 anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
PHẦN MỞ ĐẦU: MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ NỀN VĂN HOÁ TỈNH NAM ĐỊNH
Lượt xem: 15248

KHÁI QUÁT THIÊN NHIÊN VÀ LỊCH SỬ TỈNH NAM ĐỊNH

1. Về thiên nhiên:

Nam Định ở nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là vùng đất hình thành sớm, cùng với quá trình biển lùi. Từ rất xưa (hậu kỳ thời đại đồ đá mới), người dân đã cư ngụ ở đây và để lại những dấu tích nghề nông khá đậm nét.

Theo biến thiên lịch sử của đất nước, vùng đất này đã trải qua nhiều lần thay đổi về cương vực (phạm vi, giới hạn) và địa danh (tên gọi) khác nhau: thời Hùng Vương thuộc bộ Giao Chỉ (nước nam chia 15 bộ). Thời Lý-Trần, đặt Lộ Thiên Trường. Thời Lê Hồng Đức đổi làm Sơn Nam Thừa Tuyên. Đến năm 1741 (thời vua Lê Cảnh Hưng) gọi là Sơn Nam Hạ Lộ. Thời Tây Sơn đổi làm Trấn Sơn Nam. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi làm Trấn Nam Định. Đến năm 1832 đổi trấn thành tỉnh.

Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) cho lập huyện Hải Hậu. Thành Thái năm thứ 2 (1890) lấy 7 huyện của 2 phủ Kiến Xương và Thái Bình và 2 huyện của phủ Tiên Hưng đặt thành tỉnh Thái Bình. Tỉnh Nam Định còn lại 2 phủ 9 huyện: Phủ Nghĩa Hưng kiêm lý huyện Đại An, gồm: Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên, Phong Doanh; Phủ Xuân Trường kiêm lý huyện Giao Thuỷ, gồm: Hải Hậu, Trực Ninh, Thượng Nguyên, Mỹ Lộc (*).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, Nam Định  cũng qua nhiều lần nhập, tách tỉnh:

- Sáp nhập với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà (Nghị quyết số 103 của Thường vụ Quốc hội ngày 21- 04- 1965).

- Hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh (Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V ngày 27- 12- 1975).

 - Chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình (Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII, ngày 26- 12- 1991).

- Chia tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam (Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ngày 06- 11- 1996. Với địa danh hành chính là tỉnh Nam Định từ 01- 01- 1997, có vị trí địa lý như sau:

Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam

Phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, lấy sông Hồng làm ranh giới tự nhiên.

Phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình, lấy sông Đáy làm ranh giới tự nhiên.

Phía Nam và Đông Nam tỉnh là biển Đông, tổng chiều dài bờ biển là 72 km.

- Diện tích tự nhiên là 1.699,36 km2, chiếm khoảng 0,5% và là tỉnh đứng thứ 57 về diện tích trong cả nước.

- Dân số trong tỉnh là 1.843.290 người (đứng thứ 8 cả nước), mật độ dân số 1.141 người/ km2. Dân số nông thôn chiếm 86,5%, có 1.546.800 nhân khẩu nông nghiệp chiếm 81,1% dân số. Tín đồ công giáo 396.584 người, bằng 20,8% dân số.

  

Từ 01- 04- 1997, sau khi chia tách, tái lập một số huyện, số đơn vị hành chính của tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố, gồm  194 xã, 21phường và 14 thị trấn .

Điều kiện địa lý tự nhiên của tỉnh khá thuận lợi:

- Đường bộ có Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 và tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua tỉnh 45 km, cùng các tỉnh lộ 55, 56, 57, 12… với tổng chiều dài (các loại đường) gần 5.460 km tạo thành mạng lưới giao thông đi lại thuận tiện.

- Đường thuỷ có 2 sông lớn chạy dọc 2 phía đông và tây của tỉnh là sông Hồng, sông Đáy cùng các sông chi lưu như: sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Sò, sông Sắt, sông Thiên Phái… chạy đan xen giữa các vùng đất trong tỉnh, với chiều dài hơn 250 km tạo thành hệ thống giao thông, giao lưu trong tỉnh và với các tỉnh bạn; đồng thời giúp cho việc cấp, thoát nước cho sản xuất nông nghiệp.

Nam Định ở vào vị trí trung chuyển, giữa các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng với các tỉnh Bắc Trung Bộ, lại ở trong tam giác châu thổ Bắc Bộ (Hà- Nam- Ninh); nên luôn được coi là trọng điểm chiến lược về kinh tế, văn hoá và quân sự quốc phòng trong mọi thời đại lịch sử quốc gia.

2. Về lịch sử:

Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; Nam Định luôn là nơi dân cư đông đúc, đóng góp nhiều sức người, sức của và có nhiều công trạng lớn lao. Những dấu tích và sự tích còn lưu lại ở nhiều nơi trong tỉnh cho thấy: Ngay từ buổi đầu dựng nước Văn Lang- thời An Dương Vương đã có sự xâm lấn của giặc Man, giặc Ân, giặc Hồ Tôn… rồi sau đó là giặc Xích Quỷ (mặt đỏ) xâm lược đất nước thì vùng đất Nam Định đã có nhiều vị tướng cùng Phù Đổng Thiên Vương rồi Hùng Duệ Hương đi đánh giặc lập công lớn như Tam Lang, Minh Gia, Minh Tân (Vụ Bản), Linh Lang (Mỹ Lộc), 3 con trai ông Vũ Sơn (Nam Trực)…

Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà đánh chiếm vào năm 179 (TCN), đất nước bước vào thời kỳ Bắc thuộc hơn một ngàn năm. Không cam chịu ách đô hộ hà khắc của các triều đại phong kiến phương Bắc, con dân đất Việt nói chung, Trấn Sơn Nam- Nam Định nói riêng liên tục nổi lên khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Đầu những năm 40, dưới ngọn cờ của Trưng Trắc, Trưng Nhị hơn 20 tướng lĩnh cả nam lẫn nữ ở Nam Định đã nổi lên cùng nghĩa quân cả nước chống quân Đông Hán do Tô Định, Mã Viện cầm đầu.

Tiếp theo là khởi nghĩa của Lý Bí (542) chống ách đô hộ nhà Lương, Nam Định có tướng quân Hoàng Tề (làng Tân Lập, Vụ Bản), tài mưu trí võ nghệ được phong chức Túc Vệ tướng quân. Vào thời triều đại Ngô- Đinh- Tiền Lê- Lý (938- 1224), nơi đây là vùng đất căn bản- địa bàn trọng yếu cung cấp lương thảo, khí giới, nhân tài, vật lực để tướng quân Trần Lãm góp sức với Ngô Quyền làm nên chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán của tướng Hoàng Thao; mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc; cũng là “hậu cứ” quan trọng giúp Lê Hoàn bình định nước Chăm Pa, ổn định biên cương phía Nam và chống quân Tống xâm lược từ phương Bắc.

Đặc biệt khi nhà Trần khởi nghiệp, Thiên Trường- Nam Định vừa là quê hương vừa là hậu phương vững chắc để Hưng Đạo Đại Vương và các vua Trần ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên- Mông làm nên Đại Việt “THÁI BÌNH THỊNH TRỊ” “non sông muôn thuở vững âu vàng”.

Trong kháng chiến chống giặc Minh xâm lược (1407- 1427), mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi, Đặng Tất ở vùng Nam Định- Ninh Bình. Khi Lê Lợi “Tụ nghĩa Lam Sơn”, các dũng tướng ở xứ Nam như: Ngô Quý Dật, Ngô Ái Thường (tướng Loát, Ý Yên), bà Đào Thị, chức quân trung điều hộ (Mai Xá- Nam Định), các trai tráng (họ Đoàn) làng Giáp Nhất, Nam Trực (tự chế tạo vũ khí)… đã tham gia nghĩa quân lập nhiều chiến công lớn. Tiêu biểu là chiến công đánh tan Thành cổ lộng (Ý Yên) có công trạng xuất sắc của Kiến Quốc Công Lương phu nhân, người thôn Ngọc Chuế (thuộc Ý Yên).

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ và đặt ách thống trị vào đất nước ta, ngay từ đầu, nhân dân Nam Định dưới sự chỉ huy của đốc học Phạm Văn Nghị và Nguyễn Văn Lợi (xã Hoàng Nam, Nghĩa Hưng) đã chặn đánh quân giặc, kiên quyết bảo vệ Thành Nam (12- 1873); và lần thứ hai do Đề đốc Lê Văn Điềm, Án sát Hồ Bá Ôn trực tiếp chỉ huy quân sĩ triều đình, phối hợp cùng đội dân binh hàng trăm người của Nguyễn Hữu Bản (23- 03- 1883). Về cơ bản, mặc dù triều Nguyễn đã ký Điều ước Patơnốt (06- 06- 1884) thừa nhận sự bảo trợ của quân Pháp, nhưng sau đó, kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Tiêu biểu là căn cứ An Hoà (Ý Yên), Thường Đồng do Phạm Trung Thứ, Đinh Công Tráng chỉ huy, nhiều trận đánh làm quân Pháp khiếp đảm. Nam Định thực sự thành một trung tâm kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc.

Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước cách mạng ở Nam Định diễn ra khá sôi nổi, mạnh mẽ. Mở đầu là phong trào các sĩ phu (Đàm Trí Trạch, Bùi Đình Khiêm ở Vụ Bản, Vũ Văn Thuỵ ở Thạch Cầu Nam Trực…) tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, tuyên truyền vận động cho nếp sống mới, đấu tranh đòi tự do dân chủ… Quyết liệt rầm rộ nhất là phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt, Nhà máy Chai, Nhà máy Rượu, Sợi…) chống lại sự bóc lột, hà hiếp của giới chủ, đòi quyền dân sinh dân chủ. Thông qua các phong trào đó, đến năm 1928 tỉnh bộ (lâm thời) Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Định đã ra đời và ngày 19- 06- 1929 Ban Tỉnh uỷ lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng Nam Định được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Định đã phát huy truyền thống quật cường, bất khuất, kiên trì, dũng cảm tranh đấu và liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác:

- Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

- Chín năm Kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng miền Bắc, giải phóng quê hương.

- Vừa lao động sản xuất, bảo vệ quê hương, đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; vừa góp sức người sức của cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

- Dưới ánh sáng của các Nghị quyết Trung ương Đảng, những năm qua, Đảng

bộ và quân dân tỉnh Nam Định đã vượt qua bao khó khăn thách thức từng bước vươn lên xây dựng quê hương ngày một đổi mới, giàu mạnh.

3. Truyền thống văn hoá lâu đời:

Với đặc trưng về điều kiện tự nhiên và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng; Nam Định luôn được coi là địa phương có bề dày về văn hoá- văn hiến. Nổi trội nhất là truyền thống hiếu học và học giỏi. Khoa cử Việt Nam thời phong kiến, từ khóa thi năm 1075 (thời Lý) đến khoá thi năm 1919, cả nước có 2.898 vị đỗ đại khoa; tỉnh Nam Định có 83 vị: 5 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 2 Thám hoa, 1 Đình nguyễn, 1 đỗ Thái học sinh, 13 Hoàng giáp và 43 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ); trong đó có nhiều hơn cả là các huyện: Nam Trực, Xuân Trường, Ý Yên và Vụ Bản. Cũng bởi lẽ đó, người xưa có câu “Bắc kỳ đa sĩ, Nam Định vi ưu” (nghĩa là Bắc kỳ nhiều người tài, Nam Định có số đông).

Đời nối đời, Nam Định đã xuất hiện nhiều danh nhân, danh tiếng tiêu biểu như: Trần Nhân Tông hoàng đế, Hưng Đạo Đại Vương, các trạng nguyên: Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo; Hoàng giáp Trần Bích San, Phạm Văn Nghị, Đỗ Huy Liêu… Sau này là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Trường Chinh (cố Tổng Bí thư Đảng CSVN), sử gia Trần Huy Liệu… và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá, nghệ thuật tài hoa.

Vùng đất Thiên Trường xưa đã từng hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian từ ca múa, điêu khắc, nhất là các tích, trò diễn xướng… Đặc trưng phổ biến nhất là múa hát tập thể các làn điệu dân ca Bắc bộ, hát chầu văn, ca trù, hát xẩm, nghệ thuật rối nước… Tồn tại trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày nay còn khá nhiều công trình kiến trúc tôn giáo được trạm, khắc, đắp, đúc các hoạ tiết hoa văn, tạo hình khá độc đáo mang tính thẩm mỹ cao (như Chùa Tháp Phổ Minh, chùa Keo Hành Thiện, Phủ Dầy Tiên Hương- Vân Cát, chùa Cổ Lễ…). Kế thừa những tinh hoa nghệ thuật đó, ngày nay một số nghề thủ công truyền thống được phục hồi, phát triển mạnh, nhất là trạm khắc gỗ mỹ nghệ ở La Xuyên (Ý Yên), Hải Minh (Hải Hậu), Nam Tiến (Nam Trực); nghề đúc đồng ở Tống Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường); đúc kim loại ở Nam Giang (Nam Trực), chạm bạc ở Tướng Loát (Ý Yên)…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn nửa thế kỷ qua, , sự nghiệp văn hoá- xã hội nói chung, giáo dục- đào tạo nói riêng ở Nam Định có nhiều đổi mới, phát triển, xứng danh là vùng đất học. Trong thời chiến cũng như thời bình, hệ thống trường, lớp học các cấp học đều liên tục mở rộng, phát triển. Năm học 1954- 1955, nếu tính cả các loại hình trường: công lập, dân lập, bổ túc, tư thục thì toàn tỉnh có 216 trường cấp I (1.132 lớp) gồm 4 vạn học sinh; 20 trường cấp II (88 lớp) hơn 1.000 học sinh và 1 trường cấp III liên khu Ba, chỉ có 336 học sinh tốt nghiệp cấp II.

* Năm học 1964- 1965 có:              276 trường cấp I          153.158 học sinh

                                                     162 trường cấp II           39.707 học sinh

                                                     12 trường cấp III             5.766 học sinh

* Năm học 2008- 2009 có:

291 trường tiểu học                        4.428 lớp                     137.720 học sinh

245 trường trung học cơ sở            3.268 lớp                     125.506 học sinh

53 trường trung học phổ thông       1.404 lớp                       67.730 học sinh

16 trường chuyên nghiệp với 3.857 học sinh.

Phong trào “dạy tốt, học tốt” luôn phát huy truyền thống, chất lượng dạy và học thường xuyên được đổi mới, nâng cao. Tham gia thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm, đội tuyển (các cấp học) của tỉnh luôn có tỷ lệ học sinh đoạt giải trên dưới 90%, đoạt thứ hạng cao so với cả nước. Số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng hàng năm đạt trên  20% (trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong đỗ trên 95%). Đã 15 năm liên tục, ngành giáo dục- đào tạo tỉnh được Bộ Giáo dục tặng cờ thi đua xuất sắc và là một trong số ít tỉnh dẫn đầu cả nước.

CHƯƠNG II

SỰ NGHIỆP Y- DƯỢC NAM ĐỊNH

TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 -1945

1. Những kinh nghiệm y - dược dân gian truyền thống:

Cùng với sự ra đời và phát triển của dân tộc, nền y- dược học ở nước ta đã hình thành và phát triển qua nhiều cung đoạn. Từ xa xưa người dân Việt đã biết dùng thảo mộc, côn trùng, muông thú, thổ, thạch (đất, đá) làm các phương thuốc để trị bệnh, bởi thiên nhiên cũng tạo cho người ta nguồn dược liệu dồi dào, phong phú và rất thuận tiện: quanh nhà, trong vườn, trong vùng nơi ở. Ví như: bạc hà chữa cảm sốt, ngạt mũi, nhức đầu. Diếp cá chữa trĩ, đau mắt đỏ, mụn nhọt, hạt bí ngô dùng tẩy giun sán. Hạt cải canh chữa ho, viêm họng; lá hẹ chữa ho, hen, đờm rãi; cây mồng tơi để giải nhiệt, chữa táo bón. Rau ngót chữa tưa lưỡi trẻ em, sót rau sau đẻ, sảy thai. Tía tô chữa cảm lạnh, ho suyễn nhiều đờm; lá trầu không chữa lở loét, viêm chân răng…

Trường hợp khi đau yếu, chưa cần đi thầy thuốc thì có thể dùng thuốc nam hoặc các mẹo vặt để chữa bệnh; nhất là lúc cảm mạo cần xoa, day, bấm, bóp các huyệt kịp thời. Cách chữa bệnh được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, phổ biến khắp nơi. Đến nay nhiều bài thuốc dân gian vẫn được người Nam Định quen dùng.

Phổ biến nhất là việc kết hợp các loại gia vị trong bữa ăn, chẳng những để ăn ngon miệng mà còn có tác dụng phòng bệnh. Ăn gỏi cá là đồ sống thì có lá mơ, lá sắn, lá đinh lăng sát trùng. Các thức ăn tanh: rươi, lươn, cá, ốc, ếch thì có riềng, rau răm, gừng, vỏ quýt… vừa làm cho thơm ngon, lại dễ tiêu chất đạm, để nóng- lạnh chế ngự nhau. Những phương thuốc gia truyền độc đáo có tiếng trong vùng như: thuốc thấp Chùa Đồng, thuốc điều kinh Nam Lạng, thuốc sốt rét Cầu Trò, thuốc cảm cho trẻ em ở Vân Cát, thuốc sài Tông Ngoại… với những phương thuốc cổ truyền, kinh nghiệm dân gian chẳng những có thể chữa được những bệnh nội khoa hiểm nghèo, mà còn chữa trị được những bệnh ngoại khoa: da liễu, gãy xương, sai khớp… và những bệnh phụ nữ, trẻ em.

2. Danh y

Các danh y người Việt Nam từ xưa đã nghiên cứu, đúc kết chọn lọc những bài thuốc hay, những vị thuốc tốt lưu truyền cho đời sau thừa kế, ứng dụng. Đó là tinh hoa- tri thức khoa học của nền y học Việt Nam đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc và không ngừng phát triển.

Tại Nam Định, theo Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính và Nam Định Địa Dư Chí mục lục của Nguyễn Ôn Ngọc, từ thời Lý đã có một vị quốc sư nổi tiếng là Nguyễn Minh Không (người làng Đàm Xá Phủ Tràng An, theo học Từ Đạo Hạnh) chữa được một bệnh kì dị (gọi là bệnh mục công hoá hổ- có thể là bệnh da liễu nặng) cho vua Lý Thần Tông. Khi Minh Không mất, nhiều chùa vùng Giao Thuỷ Xuân Trường đã dựng tượng thờ. Chính ông đã xây dựng chùa Hành Thiện từ thời ấy.

Theo đạo học xưa, các túc nho thường đạt tới tri thức “nho- y- lý- sớ” (nghĩa là có trình độ cả về nho học, y học, tướng số và địa lý- thiên văn). Tại Nam Định, khá nhiều nhà khoa bảng, nho học khi về quê (hoặc từ quan), ngoài việc đào tạo học trò (nho sinh), còn là “thày lang” chữa bệnh bằng Đông y cho dân chúng. Trong gia phả, tộc phả nhiều làng- xã còn ghi tính, danh (họ, tên) những vị đã có công trị bệnh cứu người và cống hiến tâm đắc những phương thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh.

Xuân Trường là “cái nôi” sinh ra nhiều thầy thuốc nổi tiếng như: Nguyễn Tư Huấn (chu sỹ), Nguyễn Như Lệ (làng Hành Thiện); tiến sĩ Đặng Hữu Dương (người Hành Thiện) là tác giả tập sách thuốc chữ Nôm, có tiêu đề “Nông gia tự liệu” với gần 6.000 câu thơ lục bát. Đặc biệt sau này có: giáo sư, bác sỹ Đặng Vũ Hỷ, giáo sư- bác sỹ, thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quốc; anh hùng, thiếu tướng Phạm Gia Triệu và TS.BS. Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân.

Trong phần y tông của sách Trà Lũ xã chí có nói tới danh y Trần Viết Hộ người thôn Trung; ở thôn Đông có Phan Báu tinh nghề thuốc chữa bệnh thổ tả và bệnh sốt rét. Ngoài ra ở Trà Lũ còn có các thầy thuốc như: Định Công, Định Hợi, Đinh Khánh, Trần Thiết, Đỗ Viết Nguyệt, Đỗ Viết Ngọc.

Ở Hải Hậu có Bùi Thúc Trinh (1811- 1891), hiệu là Anh Xuyên Nhất Trung, người xã Quần Anh hạ (nay là Hải Trung), gia tộc đã ba đời làm thuốc. Ông là học trò của Trúc Đường tiên sinh Ngô Thế Vinh. Ông chuyên nghiên cứu về thuốc và trở thành danh y, có các tác phẩm: Vệ sinh mạch quyết, Vệ sinh yếu chỉ… và đào tạo được nhiều lương y danh tiếng.

Huyện Vụ Bản có dòng họ Nguyễn ở Cựu Hào(*), nhiều người là y sư nổi danh của Triều Nguyễn và là những thầy thuốc giỏi, tận tình chữa bệnh cho nhân dân. Mở đầu dòng họ là cụ Nguyễn Truyền, theo học nghề y, trở thành một danh y đầu thời Nguyễn. Cụ lại truyền nghề y cho con là tú tài Nguyễn Hướng. Nguyễn Hưởng vừa chữa bệnh vừa viết sách đúc kết kinh nghiệm và sau lại truyền nghề cho con trai cả là Nguyễn Định.

Nguyễn Định đậu tú tài hai khoá, nên còn gọi là Tú kép. Ông nghiên cứu sâu về y lý, đúc rút nhiều kinh nghiệm viết thành sách và mở trường dạy nghề cho nhiều học trò. Hai con trai Nguyễn Định là Nguyễn Phối và Nguyễn Ninh cũng giỏi nghề y. Theo tộc phả , năm 1888 Vua Thành Thái bị bệnh hiểm nghèo đã hạ chỉ mời ba cha con ông vào cung. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, ba cha con ông được vua mời ở lại làm việc trong triều đình; nhưng Nguyễn Định và con trai thứ là Nguyễn Ninh khước từ xin về quê, chỉ có Nguyễn Phối ở lại chữa bệnh trong hoàng cung, được phong chức Điều Hộ và năm 1890 lại được phong chức Ngự y. Học trò của ông có tới 70- 80 người thành đạt. Sau này các học trò đã xây nhà thờ để thờ phụng Nguyễn Định và các con của ông. Trong số con cháu của dòng họ Nguyễn ở Cựu Hào nối nghiệp ngành y có Nguyễn Canh, là người mới 12 tuổi đã giỏi bắt mạch kê đơn chữa bệnh (năm 1958 ông là người sáng lập Hội y học dân tộc huyện Vụ Bản và năm 1962 được Bộ Y tế tặng danh hiệu “Thầy thuốc có chuyên môn giỏi”).Danh y quê Nam Định đầu thế kỷ XX còn có Dược sĩ Vũ Công Thuyết (người Vụ Bản,

(*) Ngày nay họ Nguyễn ở Cựu Hào có hơn 30 người là bác sỹ, giáo sư y khoa, lương y. Tiêu biểu là Giáo sư, lương y Nguyễn Sĩ Lâm anh hùng lao động ngành y và là Chủ tịch Hội Đông y  Việt Nam (từ 1983 đến 1991).

sinh năm 1915, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, bác sỹ Vũ Ngọc Ánh (1901- 1945) làm Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim; là tác giả một số sách y học viết bằng tiếng Pháp.

Những thực tế trên đã khẳng định rằng, cùng trưởng thành với nền y- dược của dân tộc, Nam Định cũng sớm lưu truyền kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh dân gian khá phong phú, công hiệu. Là nơi có nhiều danh y, y sư tài giỏi cả về y lý, y thuật, cao về y tâm, y đức, chẳng những trị bệnh cứu người, để lại tiếng thơm, mà nhiều danh y còn tổng kết tâm đắc, để lại cho muôn đời kinh nghiệm- phương thuốc hay, những bộ sách quý làm nền tảng cho khoa học y- dược Việt Nam phát triển.

3. Tổ chức mạng lưới y tế:

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập những tổ chức sơ khai về y dược quốc gia, dân tộc. Thời đại nhà Lý thành lập Ty lương y, có quan ngự y lo việc sức khoẻ cho triều đình. Thời đại nhà Trần thì nâng Ty lương y lên Thái y viện. Trên cơ sở đó, thời Hậu lê củng cố bổ sung thêm các danh chức trong Thái y viện gồm: chánh, phó lương y, chuyên lo chữa bệnh cho vua và triều thần; đồng thời bổ nhiệm một số chức sắc theo thứ bậc nhiệm vụ từ triều đình đến các phủ, trấn. Hệ thống tổ chức này được duy trì đến thời nhà Nguyễn.

Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, vị thế Thái y viện của triều Nguyễn bị lu mờ dần rồi mất hẳn. Ty lương y ở các tỉnh cũng bị bãi bỏ, do người Pháp coi rẻ, khinh miệt Đông y. Tuy tây y được họ tôn sùng, nhưng tổ chức y tế của chính quyền bảo hộ lại không quan tâm bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, việc phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân vẫn lấy đông y làm chính và đông y vẫn song song tồn tại với tây y suốt từ đó đến nay.

Tại Nam Định thời Pháp thuộc (trước năm 1945) có một nhà thương 100 giường bệnh (*) gồm 3 khoa: nội, ngoại, sản; đứng đầu là một bác sỹ và một giám thị người Pháp. Giúp việc có 3- 4 y sỹ Đông Dương người Việt (tên là Bích, Long, Khải), một dược sỹ, một số y tá, hộ lý (khoảng 60 người). Nhà thương chia làm 2 bộ phận: một bộ phận phải trả tiền đối với những người có tiền và bộ phận nhà thương làm phúc. Phụ trách nhà thương do Viên Đốc tờ người Pháp (tên là Rongier). Ở thành phố Nam Định còn có một nhà hộ sinh, một phòng khám phụ khoa (chủ yếu để kiểm tra bệnh hoa liễu cho những người làm nghề mãi dâm có giấy phép); một nhà nhốt người điên (Cabanen). Ở Mỹ Trọng ( ngoại thành Nam Định ) còn có một trại hủi nhỏ trực thuộc nhà thương. Ở mỗi huyện có một trạm y tế nông thôn (infirmerie rurale) và một phòng phát thuốc do một y tá trưởng phụ trách, 1 y tá, 1 lao công phụ việc. Bệnh xá Lạc Quần do một y sỹ Đông Dương phụ trách. Bệnh xá Văn Lý do y sỹ Đỗ Văn quản lý. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 4 cơ sở y tế tư doanh của 3 y sỹ người Việt và một bác sỹ người Pháp.

Vào cuối những năm 1930, sau khi Trường Đại học Y khoa Đông Dương tại Hà Nội đào tạo được khoá đầu tiên, có vài ba bác sỹ, nha sỹ về Nam Định mở phòng khám tư. Bác sỹ người Pháp (Rongier) về hưu mở bệnh viện tư (khoảng 10 giường bệnh). Đến năm 1944, bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ về nhà thương Nam Định tập sự và sau này ở lại địa phương(*) .Một số cơ sở công nghiệp lớn ở tỉnh như nhà máy Dệt cũng chỉ có một trạm xá do 1 y tá phụ trách, với mục đích chủ yếu là giúp chủ nhà máy ngăn chặn công nhân nghỉ ốm, bỏ việc.

Thực tế mạng lưới y- dược trên địa bàn như vậy là quá mỏng, quá ít về số lượng, bình quân từ 15- 20 vạn dân mới có một bác sỹ. Hơn nữa nhà thương và các trạm xá chủ yếu chữa bệnh cho người ở thành phố, huyện lỵ. Hầu hết nhân dân ở nông thôn, lao động ở các nhà máy, đồn điền khi ốm đau rất khó khăn về chữa trị. Người có tiền ở thành phố thì đến bác sỹ khám bệnh, kê đơn, trả tiền công 3- 5 đồng/ lượt (trong khi giá gạo trắng 2,5 đồng/ tạ). Và phải tự đi mua thuốc để điều trị, không có sự theo dõi của thầy thuốc. Tại bệnh xá hoặc nhà thương tỉnh cũng chỉ có một số khoa cơ bản (nội, lây, ngoại, mắt…) kỹ thuật đơn giản và không có chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho bệnh nhân (việc ăn uống do một số nhà thầu đảm nhiệm). Nhiều dân nghèo chữa trị bệnh vẫn phải dựa vào đông y địa phương là chủ yếu. Hiệu thuốc Bắc ở thành phố Nam Định chủ yếu của người Hoa, như : Ích Sinh Đường, Ích Hoa Sinh, Liên Hưng, Thuần Thái… với nguồn đông dược lớn cung cấp cho các tỉnh trong vùng.

Ngày 09- 03- 1945 Nhật đảo chính Pháp. Bọn thực dân Pháp bỏ chạy, việc quản lý Nhà thương Nam Định do y sỹ Bích phụ trách, nhưng các hoạt động ở đây không có gì thay đổi.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, dưới ách thống trị hà khắc của chế độ thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đời sống nhân dân lao động ở Nam Định vô cùng khó khăn, khổ cực. Vùng nông thôn, ruộng đất của nông dân, thợ thủ công bị chiếm đoạt. Nhiều người phải lang thang kiếm sống bằng làm thuê ở thành thị hay đồn điền, hầm mỏ, xưởng thợ… ở đâu người dân cũng bị bóc lột sưu cao, thuế nặng, tô tức, đời sống đói rách, bệnh tật. Dân làm muối ở ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ phải bỏ nghề vì “Luật nhà Đoan quá khắc nghiệt, giá muối rẻ mạt”. Hàng hoá Pháp tràn lan: vải tây thay vải vuông, dầu hoả thay dầu thảo mộc, giầy dép da thay guốc gỗ… làm cho ngành nghề thủ công đình đốn. Khi nhà máy Sợi ra đời, 7 vạn khung cửi của gần 10 vạn nông dân thôn quê các vùng Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng phải nghỉ việc, làm cho kinh tế của nhân dân càng thêm suy kiệt. Ở thành thị công nhân bị đày đoạ làm việc 12- 14 giờ/ ngày, tiền lương rẻ mạt, còn bị cúp phạt hoặc bị trừ vào tiền mua gạo, mắm muối của chủ với giá đắt. Việc bảo hộ lao động, chống nóng, chống bụi… và các phương tiện bảo đảm sức khoẻ cho công nhân không được chủ quan tâm. Đói rét, cực nhọc, thiếu thốn đã làm tăng nguy cơ bệnh tật đối với nhân dân.

Mặt khác, những tệ nạn xã hội tại các địa phương lại phát sinh, nảy nở tràn lan nạn cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện ở cả thành thị và nông thôn đã đầu độc, truỵ  lạc hoá bao lớp người. Theo báo cáo của công sứ Lốt- de (Lotzer) thì từ tháng 06-1937

 

(*) Sau này bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ là giáo sư, hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- CHDC Đức

đến tháng 06- 1938 tại Nam Định đã tiêu thụ 3.079.719 lít rượu, 1540 kg thuốc phiện (*). Nghề mại dâm được chính quyền cho phép công khai ở thành phố và các huyện lỵ. Tại Nam Định có tới 70 nhà chứa, gái mãi dâm tới 5.000. Bệnh hoa liễu, nhất là bệnh giang mai lây lan tới nhiều người. Trong khi đó thiếu trường học, hơn 90% dân số không biết chữ. Dân trí thấp cùng với hệ luỵ các tệ nạn xã hội càng trở thành nguy cơ gieo rắc dịch bệnh.

Đặc biệt, do thực dân Pháp chỉ chú trọng khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên, sản vật để làm giàu cho chính quốc nên hệ thống đê điều phòng chống bão lụt tại Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng bị chúng xem nhẹ, bỏ qua. Nhiều năm liền (1893, 1904, 1913, 1915, 1917) bão lụt làm vỡ đê sông Hồng. Bão lớn năm 1924, 1929; 1941 vùng Nam Định bị tàn phá nặng nề: 7 ngày 3 trận bão làm vỡ đê Phùng Thiện. Năm 1943, sóng thần tràn vào Hải Hậu, làng Hạ Trại bị cuốn phăng. Hậu hoạ thiên tai cùng với hậu hoạ kinh tế- xã hội đã gây bùng phát và gia tăng tình trạng đói rét, bệnh tật trong nhân dân. Năm 1926 dịch tả tràn lan, người chết nhiều không chôn kịp. Năm 1937 dịch tả làm 2.000 người chết. Năm 1944, bệnh chấy rận làm chết nhiều người. Năm nào cũng có hàng nghìn người mắc bệnh đậu mùa làm hàng trăm người chết hoặc tàn phế… Năm 1945 Nam Định chết đói 211.218 người. Những thảm cảnh đau thương ấy chính là bản án đối với chế độ thực dân phong kiến, đồng thời cũng chỉ rõ sự non yếu, thấp kém của sự nghiệp y- dược đương thời. Từ đó càng hun đúc ý chí quật cường cách mạng trong nhân dân ta, để cả dân tộc gắng sức đồng lòng, nhanh chóng xốc tới cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi, xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới thực sự độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái, no ấm, hạnh phúc. 

  © Bản quyền thuộc về Sở Y tế Tỉnh Nam Định.
  Địa chỉ: Số 14 Trần Thánh Tông - Thành phố Nam Định - Tỉnh Nam Đinh.
  Điện thoại: (0228) 3631 486 - Fax: (0228) 3631 261 - Email: soyte@namdinh.chinhphu.vn.
  Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 29-07-2019 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định.
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang